Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam. Được hình thành và phát triển từ thế kỷ 16, Hội An - đô thị cổ nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng từng là một trong những thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực. Giai đoạn từ thế kỷ 16, đây là nơi tập trung hàng hóa của các thương nhân đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha… Chính vì vậy, Hội An được coi là điểm hội tụ và giao thoa của những nền văn hóa Đông - Tây. Đến nay, Hội An đã trở thành điểm đến nổi tiếng không thể thiếu trong hành trình khám phá dải đất miền Trung.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… Khu phố cổ Hội An gói gọn trong phường Minh An với diện tích chỉ tầm 2km2 với một địa thế thật đặc biệt theo kiểu bàn cờ mà đặc trưng ở đó là những con đường ngắn và hẹp, chạy uốn lượn, ngang dọc, khiến người ta rẽ lối nào rồi cũng dễ dàng gặp được nhau.
Theo thống kê Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Mặc cho không gian và thời gian cứ chuyển dời, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa nhất. Đó như một nơi chốn mà người ta có thể tìm thấy một quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.
Với lối kiến trúc độc đáo, mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Kiểu nhà ở phổ biến nhất chính là những ngôi nhà hình ống chỉ một hoặc hai tầng với chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài. Nhà được làm từ những vật liệu có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt nơi đây. Hai bên có tường gạch ngăn cách và khung nhà bằng gỗ, chia thành ba gian với lối đi ở giữa. Ngoài việc bố trí ngôi nhà thành nhiều gian thì phần sân trời của ngôi nhà được lát đá và trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một không gian thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng.
Một nét đặc trưng trong kiến trúc ở Hội An là những con phố được xây dựng theo hình bàn cờ, uốn lượn theo ven sông và ôm ấp những ngôi nhà. Ở mỗi góc nhỏ bình yên ấy, du khách dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với nhiều món ẩm thực nổi tiếng như cao lầu, mì Quảng, bánh mì, cơm gà… hay những cửa hàng bày bán các đồ dùng thủ công mỹ nghệ. Tất cả như phản ánh cuộc sống sinh hoạt giản dị, chậm rãi và hồn hậu của người dân nơi đây.
Dạo bước tại Hội An, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm tuổi (như Chùa Cầu, Chùa Phước Lâm, Chùa Vạn Đức…), chiêm ngưỡng các công trình Hội quán của người Hoa với lối kiến trúc cầu kỳ, sặc sỡ, hòa mình vào không khí lễ hội nhộn nhịp với các trò chơi dân gian như hát bài chòi, hò khoan, đấu cờ tướng…
Sẽ là thiếu sót nếu du lịch Quảng Nam mà bạn không tới tham quan “biểu tượng của Hội An” – Chùa Cầu. Nơi đây còn có cái tên khác Chùa Nhật Bản nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú.
Chùa Cầu được làm bằng ván gỗ bắc ngang qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu dài 18m có mái che lợp bằng ngói âm dương, quay mặt về phía sông Thu Bồn. Điều đặc biệt là dù được người Nhật xây dựng nhưng chùa Cầu lại mang đậm nét kiến trúc Việt Nam.
Phía trên cửa chính có chạm nổi ba chữ Hán là Lai Viễn Kiều, nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến. Nơi này thường được các thương gia Nhật Bản đến buôn bán vào khoảng giữa thế kỷ 16. Phía trên cầu có một ngôi miếu nhỏ thời thần Bắc Đế Trấn Vũ chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Ở hai đầu cầu có đặt nhóm tượng khỉ chó ngồi chầu.
Qua năm tháng thời gian và các lần trùng tu, chùa Cầu vẫn là một công trình độc đáo, một nét đẹp kiến trúc đậm phong cách Việt. Đây là tài sản vô giá và chính thức được chọn làm biểu tượng của Hội An. Ngày 16/07/2019, Hội An trở thành tâm điểm chú ý khi hình ảnh tuyệt đẹp về Chùa Cầu, biểu tượng hơn 4 thế kỉ của phố Hội được Google vinh danh trên trang chủ bằng những nét vẽ do họa sĩ Shanti Rittgers thể hiện trên Google Doodle.
Bên cạnh đó, để hiểu hơn về cuộc sống và văn hóa người Hội An, du khách nên đến tham quan một số nhà cổ nổi tiếng và các công trình tâm linh, xã hội như nhà cổ Quân Thắng, Đức An, Tấn Ký, … hay một số hội quán như Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông … Đây là những địa điểm đẹp ở Hội An giúp du khách được trải nghiệm không gian văn hóa đặc trưng phố Hội.
Nhà cổ Tấn Ký (Số 77. Trần Phú – thị xã Hội An) là ngôi nhà cổ vinh dự trở thành Di sản cấp Quốc gia và là nơi duy nhất đón tiếp các Nguyên thủ Quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. Nhà cổ kết hợp giữa lối kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Với kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ, địa điểm này gồm hai thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân và 5 thanh dọc tượng trưng cho ngũ hành. Kiến trúc hài hòa của ngôi nhà nói lên mơ ước về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên tại phố Hội.
Một trải nghiệm thú vị phải thử khi đến Hội An là thả đèn hoa đăng. Từ bến Bạch Đằng, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng trôi theo dòng sông Hoài thơ mộng, du khách hãy thưởng ngoạn phong cảnh phố cổ về đêm, cảm nhận không khí dịu mát se lạnh trong từng cơn gió, lắng nghe những câu chuyện hấp dẫn của phố Hội và tự tay thả những chiếc đèn hoa đăng huyền ảo. Theo quan niệm của người dân địa phương, thả đèn hoa đăng tựa như thả những âu lo muộn phiền và mang lại cảm giác bình an, hạnh phúc.
Để thu hút khách du lịch, Hội An đã có nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào phục vụ như show diễn Ký ức Hội An, khai trương Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, Khu nghỉ dưỡng và vui chơi Nam Hội An, Trung tâm Biểu diễn Lune Hội An…
Những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi được chạm trổ tinh vi, tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Đó mới chỉ là một phần dung dị ở khu phố cổ Hội An nhưng cũng đã đủ khiến người ta phải đắm say, quên lối về.