Đèo Cả là một trong những ngọn đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam . Đèo cao 333m, dài 12km, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trên Quốc lộ 1A. Đỉnh đèo nằm ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa. Đèo còn có tên gọi khác là Đèo Cục Kịch, là tên dân gian trước đây khi đèo mới mở chỉ trải lớp đá, đi lại gập ghềnh và có đến 98 vòng cua rộng hẹp gấp khúc. Trong văn bản tiếng Pháp ghi tên đèo là "Col Babonneau".
Không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ và hiểm trở mà Đèo Cả còn ghi đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc. Theo các ghi chép để lại thì trước đây, đèo được coi là ranh giới để phân chia hai nước Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653.
Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đây năm 1471. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã tạo một tiểu vương quốc tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây
Vào những năm 1771 - 1802, nhiều cuộc giao chiến giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn cũng đã xảy ra tại đây. Trong tháng 1 năm 1947, đèo Cả trở thành chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh.
Tên "Đèo Cả" có khi Pháp đang xây Quốc lộ 1A. Trước đó đường Thiên Lý nằm phía tây của đường Đèo Cả. Nơi đây, trên đèo Cả thời Pháp thuộc có một trạm Phú Hoà do Nam triều xây dựng như một trạm dịch để lưu chuyển văn thư, vận tải lương thực, cáng, võng các quan chức hành chánh địa phương mỗi khi có công vụ. Sau này Pháp cho xây một bót tên Poste Petitte (Bót Bê Tí) để kiểm soát về mặt quân sự. Năm 1997 ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hoà được phân chia từ chân Đá Đen kéo dài theo đường phân thuỷ đến đỉnh Hòn Nưa. Và Vũng Rô thuộc địa phận Phú Yên.
Đồng thời, đèo cũng là nhân chứng lịch sử, chứng kiến nhiều cuộc chiến ác liệt của nước ta và là nơi ngã xuống của không biết bao nhiêu người lính anh dũng, can trường.
Thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra nhiều thực vật đặc biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang. Rất nhiều loại động vật quý hiếm đều được tìm thấy tại đây như: Tê tê, nhím, khỉ, báo hoa, gấu ngựa, chim trĩ,…
Đường lên đèo cả uốn lượn như dải lụa giữa màu xanh của núi rừng, có những khúc quanh tưởng chừng như không thể bẻ tay lái. Đi qua những khối đá cao dựng đứng sừng sững có cảm giác thiên nhiên thật hùng vĩ lớn lao. Cái hiểm trở của đèo Cả như muốn nuốt trọn bất kỳ ai muốn đi qua. Đâu chỉ có những cảnh hùng vĩ hiểm trở, đèo Cả cũng rất thơ mộng với không gian một gam màu xanh tràn đầy sức sống, nền trời trong không một gợn mây, gió luồn qua từng kẽ tay mang đến sự trong lành và tươi mới. Thiên nhiên cảnh đẹp như muốn níu bước chân người lữ khách.
Khi đứng trên đèo, bạn có thể dễ dàng phóng tầm mắt, thu trọn một khoảng trời rộng Phú Yên. Khung cảnh hiện lên vô cùng thanh bình, hữu tình từ núi, rừng, đồng bằng tới biển cả, tựa như một bức tranh thủy mặc. Mặc dù đường đi tương đối hiểm trở nhưng khung cảnh đèo lại vô cùng thơ mộng với không gian đậm gam màu xanh mát.